Bộ Y tế: BN mắc đậu mùa khỉ đều điều trị cách ly kể cả thể nhẹ

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều nước châu Á đã liên tiếp bị dịch đậu mùa khỉ xâm nhập và hoành hành. Trước tình trạng đó, Việt Nam cũng đã phải nâng cao công tác phòng ngừa dịch bệnh, không ngừng khuyến cáo bà con bảo vệ sức khoẻ. 

Ngày 29/7 mới đây, Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn chi tiết về việc chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ ở người. Trong đó có nhắc đến việc sẽ cách ly người nghi nhiễm hoặc mắc đậu mùa khỉ tại trạm y tế hoặc bệnh viện, từ đó điều trị triệu chứng, có thể dùng thêm thuốc đặc hiệu nếu cần.

Bệnh đậu mùa khỉ cũng vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố là trường hợp y tế khẩn cấp toàn cầu. (Ảnh: Người Lao Động)

Trong hướng dẫn mới được ban hành, Bộ Y tế cho biết bệnh đậu mùa khỉ có ba thể là không triệu chứng, nhẹ và nặng. Dù được đánh giá là trường hợp nào thì bệnh nhân vẫn phải được cách ly, điều trị tại cơ sở y tế, tuy nhiên sẽ chia ra các khu khác nhau.

Cụ thể trạm y tế điều trị ca bệnh không triệu chứng hoặc nhẹ; bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương điều trị ca nặng hoặc nhóm nguy cơ cao như trẻ sơ sinh, người cao tuổi, bệnh nền, thai phụ, người suy giảm miễn dịch.

Bệnh đậu mùa khỉ đang ngày càng lan rộng trên thế giới. (Ảnh: UBND tỉnh Bình Phước/Lao Động)

Nhiều nước tăng cường nghiên cứu về bệnh đậu mùa khỉ. (Ảnh: Người Lao Động)

Tất cả bệnh nhân đều sẽ được điều trị theo nguyên tắc chung, đó là giám sát và cách ly. Y bác sĩ sẽ chủ yếu điều trị triệu chứng, đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng điện giải và hỗ trợ tâm lý. Trong trường hợp cần thiết sẽ cho sử dụng thuốc đặc hiệu với nhóm nguy cơ cao và theo dõi dấu hiệu chuyển nặng hoặc biến chứng.

Thực tế, chiến lược cách ly điều trị này cũng từng được áp dụng cho bệnh nhân Covid-19. Sau một thời gian dài mới thử nghiệm và đưa vào tiến hành cách ly điều trị tại nhà.

Giống như Covid-19, bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ cũng sẽ được giám sát sức khoẻ kĩ càng. (Ảnh: Báo Công An Nhân Dân)

Đối với những bệnh nhân ở thể nhẹ sẽ được hạ sốt, giảm đau, chăm sóc tổn thương da, mắt, miệng. Đồng thời, họ cũng sẽ được theo dõi các biến chứng như viêm phổi, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn huyết, viêm não... Trong trường hợp mắc đậu mùa khỉ thể nặng, bệnh nhân sẽ được chuyển đến khoa hồi sức, tuỳ tình trạng bệnh lý sẽ điều trị bằng thuốc đặc hiệu như tecovirimat, cidofovir, brincidofovir, globulin miễn dịch tĩnh mạch. 

Đậu mùa khỉ được cảnh báo là bệnh lý có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, ví như giảm thị lực, giảm ý thức, hôn mê, co giật, suy hô hấp, chảy máu, giảm số lượng nước tiểu, bị nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn. Nếu gặp tình trạng này, bệnh nhân sẽ được cơ sở y tế xem xét chuyển tuyến điều trị.

Điều kiện để bệnh nhân được xuất viện đó là đã cách ly tối thiểu 14 ngày và không có triệu chứng bệnh, không xuất hiện tổn thương mới trên da trong vòng tối thiểu 48 giờ, các tổn thương cũ đã đóng vảy.

Bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ sẽ được cách ly điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. (Ảnh: Sở Y tế TP.HCM)

Trước đó, bệnh nhân mắc Covid-19 cũng được điều trị tại một phòng riêng. (Ảnh: HCDC)

Cũng trong hướng dẫn, Bộ Y tế cũng đã nhắc đến những tiêu chí xác định ca nghi mắc và ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Cụ thể, ca nghi mắc là những người từng đi du lịch tới quốc gia có bệnh đậu mùa khỉ hoặc tiếp xúc với vật dụng chứa virus trong vòng 21 ngày trước khi có triệu chứng, hoặc đã có dấu hiệu lâm sàng... Còn ai đã xét nghiệm và có kết quả dương tính với virus đậu mùa khỉ sẽ là những ca nhiễm. 

Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm đậu mùa khỉ. Dù vậy, ngành y tế vẫn không ngừng tăng cường các biện pháp phòng ngừa đậu mùa khỉ xâm nhập. Bộ Y tế cũng đã liên hệ với WHO, CDC Mỹ để lấy thông tin về sinh phẩm xét nghiệm và vaccine phòng bệnh, đồng thời chỉ đạo tăng cường giám sát ca bệnh tại cửa khẩu.

Riêng tại TP.HCM đã ấn định Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là tuyến cuối điều trị ca nặng. Thành phố cũng đề xuất để người nhập cảnh khai báo y tế trở lại, người nghi mắc hoặc mắc đậu mùa khỉ tự cách ly tại nhà 21 ngày. Tuy nhiên chưa nhận được phản hồi hay ý kiến từ Bộ Y tế.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sẽ là tuyến cuối điều trị ca nặng nếu xuất hiện bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. (Ảnh: Người Lao Động)

Công tác phòng ngừa dịch bệnh được tăng cường ở các cửa khẩu, biên giới. (Ảnh: Sức Khoẻ Đời Sống)

Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại nước ta đang diễn biến rất khó lường. Tuy nhiên ở nhiều nơi, bà con vẫn còn giữ tư tưởng chủ quan, lơ là phòng dịch. Điều này vô tình tạo cơ hội cho virus dễ dàng xâm nhập và ngày càng lan rộng hơn.

Vì vậy, ngay từ giây phút này, dù sức khoẻ chưa có gì đáng lo ngại, mọi người cũng nên chủ động nâng cao sức đề kháng, hệ miễn dịch của bản thân. Đồng thời không ngừng kêu gọi những người xung quanh cùng chung tay bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Hiện nay, Việt Nam đang phải cùng lúc đối phó với nhiều dịch bệnh nghiêm trọng như Covid-19, cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng. Đáng nói, Tổ chức Y tế Thế giới WHO mới đây còn cảnh báo khả năng đậu mùa khỉ bùng phát mạnh mẽ tại châu Á.

Trước tình trạng này, ngành y tế Việt Nam đã phải tăng cường công tác chống dịch cao hơn nữa. Bà con cũng cần phải cẩn trọng, nâng cao ý thức bảo vệ sức khoẻ bản thân và cộng đồng. 

Nguồn: yan.vn