Ký ức về cụ ông dành cả một đời viết thư tình tại bưu điện Thành phố

Sài Gòn được xem là một trung tâm đô thị phát triển bậc nhất đất nước, sẵn sàng vươn mình đón nhận những kỷ nguyên công nghệ hiện đại của nhân loại. Thế nhưng, trước khi mang tầm vóc như hiện tại, thành phố này cũng từng nhẹ nhàng, trữ tình với những câu chuyện, những con người đã thổi hồn làm nên một Sài Gòn mang nhiều chiều sâu ký ức. Đó là các quán nhỏ đã tồn tại gần thế kỷ hay những con hẻm nhỏ đã bồi tụ nên nét đặc trưng rất riêng của thành phố trẻ. Để rồi mỗi khi nhắc đến, nhiều thế hệ Sài Gòn như có gì đó vấn vương, lưu luyến về một thời đã qua.

Nói đến Sài Gòn xưa, ắt hẳn người Sài Gòn, trong đó có cả giới trẻ và khách ᴅu lịch nước ngoài,… vẫn nhớ mãi hình ảnh một ông cụ viết thư tay với dáng người bé nhỏ, ngồi tại một chiếc bàn trong Bưu điện thành phố. Ngày ngày cụ ngồi đó chỉ để viết thư tay cho khách và rồi theo thời gian cứ thế cụ trở thành một phần linh hồn của Sài Gòn xưa.

Cụ Dương Văn Ngộ - người đã dành hơn nửa thế kỷ để chắp cánh cho những lá thư tay. (Ảnh: Phụ nữ online)

Dành nửa thế kỷ để viết thư tình

Danh xưng "người viết thư tình xuyên thế kỷ" hay "người giữ hồn cho những lá thư tay", "người nối thế giới bằng những cánh thư" chính là cách mọi người nhắc đến cụ ông Dương Văn Ngộ - người đã dành gần hết đời người để gắn bó với nghề bưu chính. Những ký ức xa xưa về người viết thư thuê cuối cùng của Sài Gòn đã để lại không ít sự bùi ngùi khi nhắc đến. 

Nhiều người biết đến cụ với danh xưng "người giữ hồn cho những lá thư tay". (Ảnh: Phụ Nữ online)

Cụ Dương Văn Ngộ sinh ngày 03/03/1930, là người gốc Triều Châu, Trung Quốc; nhưng được sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Trong những năm 1942, cụ là một trong những học sinh nghèo hiếm hoi được nhận vào trường Petrus Ký (Lê Hồng Phong ngày nay). Cụ cho biết, bản thân đã gắn bó với nghiệp bưu chính ngay từ khi mới 16 tuổi. Lúc ấy, cụ được nhận vào làm một bưu điện tại Thị Nghè. Mãi đến năm 1948, cụ chính thức được nhận vào Bưu điện Thành phố làm việc. Công việc đầu tiên cụ đảm nhận là phân loại thư trong hộp để chuyển đi. Dần dần theo thời gian cùng với sự ham học hỏi và tích luỹ, kinh nghiệm của cụ được nâng cao hơn, cũng có một thời gian cụ được điều sang công tác tại Bộ Giao thông và Bưu điện.

Cụ từng nhận được giải Kova năm 2016 vinh danh về Sống đẹp. (Ảnh: Phụ Nữ online)

Sau một thời gian làm việc cho Bưu điện Thành phố, cụ được uỷ nhiệm sang nghề viết thư tay, dịch thư từ tiếng Anh, tiếng Pháp cho những vị khách đến từ nhiều nơi trên thế giới. Trên bàn làm việc của cụ lúc nào cũng được kê một tấm bảng với nội dung: "Nơi chỉ dẫn và viết giùm". Suốt nhiều năm như vậy, góc bàn ấy không bao giờ thiếu vắng dáng vẻ của cụ. Dù mưa hay nắng, mỗi sáng cụ đều cọc cạch trên chiếc xe đạp từ Thị Nghè sang Bưu điện Thành phố, bắt đầu công việc vào 8 giờ sáng và kết thúc một ngày làm việc vào khoảng 16 giờ

Hình ảnh quen thuộc của một bưu tá vào mỗi sáng sớm Sài Gòn. (Ảnh: Thanh Niên)

Đến nay cụ Ngộ đã có hơn nửa thế kỷ gắn liền với nghề bưu tá, trong đó hơn 30 năm cụ dành để viết thư thuê cho khách. Mỗi bức thư tay cụ viết chỉ nằm trong tầm giá từ 15.000 - 30.000 đồng, một con số không mấy giá trị. Thế nhưng, đối với cụ Ngộ đó là những trải nghiệm cảm xúc đẹp đẽ. Suốt nhiều năm làm việc, cụ đã chứng kiến không biết bao nhiêu chuyện buồn, vui của người đời và từng chắp cánh cho không ít những cuộc hôn nhân bằng hàng vạn bức thư tình, có bức thư còn được gửi đi cả nửa vòng trái đất. "Nguyên tắc trong nghề là phải tuyệt đối giữ bí mật và quên đi những gì mình đã viết"- cụ Ngộ nói cùng báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

Những bức thư cảm ơn được gửi cho cụ Ngộ từ khắp nơi trên thế giới. (Ảnh: Thoixua)

Người giữ hồn cho từng giá trị xưa cũ

Cụ Ngộ cho rằng, ngày xưa những lá thư tay chính là "nhân chứng" cho một cuộc tình, một tình cảm mà các đôi trẻ dành cho nhau. Rồi cho đến hiện tại, công việc của cụ cũng nhàn hơn, vì giới trẻ, người lớn đều đã có internet hay điện thoại. Nhưng với cụ, việc viết thư tay vẫn mang một ý nghĩa đặc biệt vì chỉ có lá thư tay mới truyền đạt hết được cái hồn của con chữ. Và hơn thế nữa, khi viết thư những tâm tình còn được thể hiện qua sự trau chuốt, nét thanh, nét đậm,...Chính vì sự yêu nghề của cụ, hàng vạn bức thư tình được gửi từ Bưu điện Sài Gòn đã được đáp cánh ở Mỹ, Canada, Anh, Pháp,.. và có rất nhiều người yêu mến cụ trên khắp thế giới dù có những nơi cụ chưa từng đặt chân đến.

Cụ Ngộ được xác lập kỷ lục về người viết thư thuê. (Ảnh: Phụ Nữ Online)

Đến thời điểm hiện tại, do tuổi đã cao cụ Ngộ chẳng thể trụ mãi nơi góc bàn của Bưu điện. Những lớp trẻ sẽ mãi không thể nhìn thấy hình ảnh một người làm nghề viết thư tay thuê cần mẫn bên chiếc bàn nhỏ. Thế nhưng, hy vọng rằng bằng những kỷ vật, những con chữ còn sót lại sẽ giúp mọi người thêm yêu từng kí ức xưa cũ của Sài Gòn. Những kỷ vật đó đơn giản là chiếc xe đạp, cái túi xách, cuốn từ điển đã cũ nhàu theo thời gian, chiếc kính lúp đã sờn màu đôi ba chỗ,...Cùng với đó là những bức thư, hình ảnh, bưu thiếp, những lời cảm ơn dành cho cụ Ngộ được gửi về từ khắp nơi trên thế giới. 

Những kỷ vật quen của người bưu tá dành nửa thế kỷ viết thư thuê. (Ảnh: Phụ Nữ Online)

Hình ảnh người đàn ông cặm cụi viết thư thuê chỉ còn nằm trong ký ức của nhiều người Sài Gòn. (Ảnh: Thanh Niên)

Rời khỏi nơi gắn bó cả đời người, bằng quãng giọng trầm của người đàn ông ngoài 80, trong một bài báo cụ ngậm ngùi: "Tôi sợ sau này sẽ chẳng còn ai nhớ đến thư tay nữa. Tôi chỉ mong là người giữ lại hồn cho những lá thư, chứ mọi danh hiệu đều vô nghĩa cả…”. Sài Gòn vẫn giữ nguyên nhịp sống hối hả vốn có, mọi hỷ nộ ái ố trong từng bức thư được gói ghém và cất giữ cẩn thận vào một góc riêng của thành phố trẻ. Và hình ảnh cụ Ngộ đã trở thành một câu chuyện, một ký ức được lưu giữ qua từng trang viết, rằng đã có một người dành hơn nửa thế kỷ để viết thư tình tại Bưu điện Thành Phố. 

Nguồn:yan.vn