Nhiều nhà khoa học nổi tiếng bị dọa giết vì có ý kiến về dịch COVID-19

Nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới đã kêu cứu với tuần báo Nature, rằng họ đã nhận được những lời đe dọa giết chết hoặc bạo lực thể chất, tình dục khi có ý kiến về dịch COVID-19.

Nhiều nhà khoa học nổi tiếng bị dọa giết vì có ý kiến về dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Nhà khoa học Krutika Kuppalli - Ảnh: Đại học Y Nam Carolina

Tuần báo khoa học - công nghệ hàng đầu thế giới Nature đã có cuộc điều tra, khảo sát với hơn 300 nhà khoa học hàng đầu ở các quốc gia tiên tiến. Họ là những nhà khoa học đã trả lời phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông về dịch COVID-19, nhiều người trong số họ cũng đã bình luận về đại dịch trên mạng xã hội.

Theo kết quả khảo sát, hơn 2/3 nhà nghiên cứu đã có những trải nghiệm tiêu cực sau khi xuất hiện trên phương tiện truyền thông hoặc có ý kiến bình luận trên mạng xã hội và 22% nhận được lời đe dọa bạo lực thể chất hoặc tình dục. Trong đó, 15% nhà khoa học cho biết họ đã nhận được những lời đe dọa giết. 6 nhà khoa học cho biết họ đã bị tấn công trực diện.

Một số nhân vật nổi tiếng thế giới cũng đã bị đe dọa hay thậm chí bị tấn công trực diện khi có những phát biểu về dịch COVID-19.

Tiến sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, phải có nhân viên bảo vệ sau khi ông và gia đình nhận được những lời đe dọa giết. Cố vấn y tế trưởng Chris Whitty của Vương quốc Anh bị tóm cổ và xô đẩy trên đường phố.

Nhà virus học người Đức Christian Drosten nhận được một bưu kiện với một lọ chất lỏng có nhãn "dương tính" và một tờ giấy nhắn nói ông hãy uống nó. 

Nhà virus học người Bỉ Marc Van Ranst và gia đình của ông đã được di tản vào sống ở một nơi an toàn hơn, sau khi một tay súng bắn tỉa để lại tờ giấy nêu rõ ý định của anh ta nhằm vào các nhà virus học.

Ngay sau khi chuyển từ Đại học California đến Đại học Y Nam Carolina ở Charleston, bác sĩ bệnh truyền nhiễm Krutika Kuppalli đã phải đối phó với hành vi quấy rối trực tuyến trong nhiều tháng, sau khi bà trả lời phỏng vấn trên truyền thông về dịch COVID-19. 

Bà Kuppalli, hiện chuyển sang làm việc tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở TP Geneva, Thụy Sĩ, kể ban đầu bà gọi cảnh sát nhưng không thấy họ có bất kỳ hành động nào. Các email, cuộc gọi và tin nhắn trực tuyến mang tính đe dọa vẫn tiếp tục. Sau cuộc gọi dọa giết lần thứ 2, cảnh sát có đến nhà và đề nghị bà tự mua cho mình một khẩu súng.

Các nhà khoa học nổi tiếng nói với báo Nature rằng những phát biểu khoa học gắn liền với đại dịch bị đe dọa, tấn công là một hiện tượng mới. "Tôi tin rằng các chính phủ, các cơ quan tài trợ và các hiệp hội khoa học đã không làm đủ để bảo vệ các nhà khoa học một cách công khai", một nhà nghiên cứu viết trong cuộc khảo sát của báo Nature.

"Tôi đã phải ở với vệ sĩ và súng", một nhà khoa học cho biết. Một số nhà khoa học nói rằng họ đã học cách đối phó với sự quấy rối, chấp nhận nó như một tác dụng phụ khó chịu để đưa được thông tin có ích đến công chúng.

Bà Fiona Fox, giám đốc điều hành Trung tâm Truyền thông khoa học Vương quốc Anh (SMC) ở London, cho biết đang diễn ra tình trạng đe dọa, tấn công các nhà khoa học có ý kiến liên quan đến đại dịch COVID-19 toàn cầu, kèm với một loạt thông tin sai lệch về đại dịch này.

Ở một mức độ nào đó, hành vi quấy rối các nhà khoa học phản ánh vị thế ngày càng tăng của họ với tư cách là nhân vật của công chúng. Một số khía cạnh của khoa học COVID-19 đã bị chính trị hóa, đến mức các nhà khoa học khó có thể đề cập đến chúng mà không thu hút về mình một "cơn bão" đe dọa, tấn công

Nguồn: tuoitre.vn