Singapore, Campuchia chống Delta ra sao?

Dù là hai quốc gia có tỉ lệ phủ vắc xin COVID-19 cao nhất ở Đông Nam Á, nhưng số ca nhiễm trong cộng đồng liên tục tăng cao gần đây do biến thể Delta đang khiến Singapore và Campuchia đứng ngồi không yên.

Singapore, Campuchia chống Delta ra sao? - Ảnh 1.

Khách hàng phải giữ khoảng cách để chống dịch COVID-19 tại một quán cà phê ở Singapore hôm 7-9 - Ảnh: Reuters

Ngày 8-9, Campuchia công bố ghi nhận thêm 596 ca nhiễm trong 24 giờ, mức tăng theo ngày cao nhất trong 3 tuần qua kể từ ngày 14-8. Trước đó, hôm 7-9, Singapore công bố có 332 ca (bao gồm 328 ca cộng đồng) nhiễm mới trong ngày, cao nhất trong hơn 1 năm.

Campuchia tiêm mũi 3

Hôm 7-9, văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Campuchia kêu gọi người dân Campuchia tiếp tục cảnh giác dù có tỉ lệ phủ vắc xin cao. Theo báo Khmer Times, tính đến ngày 6-9 tổng số ca mắc biến thể Delta tại Campuchia đã tăng lên 2.647 ca. Hầu hết ca nhiễm này được phát hiện tại thủ đô Phnom Penh, còn lại rải rác tại 22 tỉnh của Campuchia.

Tại một cuộc họp về các biện pháp đối phó biến thể Delta hồi tháng 8, đô trưởng Phnom Penh, ông Khuong Sreng, cho biết: "Trong bối cảnh chiến đấu và ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta, chính quyền Phnom Penh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ và tiểu ban để nhanh chóng truy vết, quản lý và phá vỡ các chuỗi lây truyền kịp thời".

Bộ trưởng Lao động và dạy nghề Ith Sam Heng của Campuchia đã ra thông báo về các biện pháp ngăn chặn biến thể Delta tại các nhà máy, xí nghiệp ở Campuchia. "Chủ hoặc người quản lý các nhà máy, xí nghiệp phải tiến hành các xét nghiệm nhanh với toàn bộ công nhân, người lao động ít nhất 2 lần trước ngày 10-9. Sau ngày 10-9, họ phải xét nghiệm định kỳ với một số nhóm công nhân, người lao động" - thông báo trên nêu, đồng thời yêu cầu báo ngay cho Bộ Y tế hoặc qua đường dây nóng nếu phát hiện ca dương tính.

Theo ông Sreng, thủ đô Phnom Penh cũng đã biến các trường học thành cơ sở cách ly để tiếp nhận những lao động từ nước ngoài quay về. Thời gian qua Campuchia đã ghi nhận hàng trăm ca mắc Delta là người lao động từ các nước như Thái Lan trở về.

Bộ trưởng Y tế Mam Bunheng thúc giục dân chúng tiếp tục đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách, tránh các nơi đông người và đi tiêm vắc xin COVID-19 khi đến lượt. "Chúng ta phải thích ứng với trạng thái bình thường mới để ngăn ngừa và kiềm chế sự lây lan của COVID-19, đặc biệt là các biến thể virus" - ông Bunheng kêu gọi.

Theo báo Khmer Times, Chính phủ Campuchia đang chuyển sang sử dụng mũi vắc xin bổ sung tiêm cho người dân nhằm ngăn sự lây lan của biến thể Delta. Đến nay, có khoảng 680.000 người ở Campuchia đã được tiêm mũi 3.

Singapore tìm cách "câu giờ"

Singapore đang là một trong những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, nhưng Đài CNN đánh giá đợt bùng phát mới do biến thể Delta đang đe dọa mô hình sống chung với COVID-19 của Singapore.

Cập nhật tình hình COVID-19, đầu tuần này Bộ Y tế Singapore thừa nhận trên trang web của họ: "Tỉ lệ phủ vắc xin cao đã cho phép Singapore giữ tỉ lệ mắc bệnh nặng hoặc tỉ lệ tử vong thấp ở những người đã tiêm vắc xin. Tuy nhiên, những người chưa tiêm vắc xin vẫn dễ bị tổn thương. Trong 28 ngày qua, 6,7% ca nhiễm chưa tiêm vắc xin đã bị bệnh nặng hoặc tử vong".

Số ca nhiễm trong cộng đồng ở nước này đã tăng thêm hơn 1.200 ca trong tuần kết thúc vào ngày 5-9, gần gấp đôi con số khoảng 600 ca của tuần trước đó. "Nếu số ca nhiễm tiếp tục đi theo đường cong này, chúng ta sẽ chứng kiến số ca mắc bệnh tăng gấp đôi mỗi tuần. Điều này có nghĩa có thể chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều người phải chịu hậu quả nghiêm trọng do mắc COVID-19" - Bộ Y tế nhận định.

Bộ Y tế kêu gọi hành động nhanh chóng ngay bây giờ để làm giảm khả năng gia tăng ca nhiễm theo cấp số nhân. Điều này sẽ giúp Singapore "câu giờ" để thêm nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi, được tiêm vắc xin càng sớm càng tốt cũng như để triển khai chương trình tiêm mũi bổ sung (liều 3) cho những người từ 60 tuổi trở lên.

Trong tháng 8, Singapore dần nới lỏng một số biện pháp hạn chế, chẳng hạn cho phép người đã tiêm vắc xin đủ liều được ăn uống tại nhà hàng. Tuy nhiên, đợt dịch mới đã khiến các bước mở cửa tiếp phải dừng lại. Nước này cảnh báo có thể sẽ tái áp đặt các biện pháp hạn chế nếu không kiềm chế được đợt bùng phát mới do biến thể Delta.

81% & 56%

Theo báo Straits Times, 83% trong tổng 5,7 triệu dân ở Singapore đã tiêm ít nhất 1 liều và 81% đã tiêm 2 liều. Theo Bộ Y tế Campuchia, đến nay Campuchia có khoảng 70,6% trong tổng số hơn 16 triệu dân đã tiêm ít nhất 1 liều và 56% đã tiêm 2 liều.

Mỹ: biến thể Mu lan rộng 49 bang

Tính đến ngày 8-9, số ca bệnh COVID-19 ở Mỹ đã vượt mốc 40 triệu ca, trong khi số ca tử vong lên tới gần 650.000, cao nhất thế giới. Dữ liệu được Hãng tin Reuters thống kê cho thấy hơn 20.800 người ở Mỹ đã tử vong do COVID-19 trong 2 tuần qua, tăng khoảng 67% so với giai đoạn 2 tuần trước đó.

Mỹ cũng đang đối mặt với sự lây lan mạnh của biến thể Mu, lần đầu phát hiện ở Colombia. Tính đến nay biến thể Mu đã lan rộng tới 49/50 bang của Mỹ, ngoại trừ Nebraska. Biến thể này được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn biến thể Delta.

Nguồn: https://tuoitre.vn/singapore-campuchia-chong-delta-ra-sao-20210908223638848.htm