ChatGPT khuynh đảo thế giới với 100 triệu người dùng sau hai tháng trình làng

Số người dùng công cụ chatbot phổ biến ChatGPT do OpenAI phát triển được cho là cán mốc 100 triệu người/tháng, chỉ 2 tháng sau khi phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) này được ra mắt.

Mốc 100 triệu người/tháng khiến ChatGPT trở thành ứng dụng cho người dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử.

Nghiên cứu của UBS dẫn số liệu của Công ty phân tích Similar Web cho biết khoảng 13 triệu người đã dùng ChatGPT/ngày trong tháng 1, gấp đôi so với tháng 12-2022.

Các nhà phân tích của UBS đánh giá trong suốt 20 năm qua, chưa từng có một ứng dụng Internet nào có lượng người dùng phát triển nhanh như vậy. Thống kê của Sensor Tower cho thấy nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok cần 9 tháng sau khi phát hành toàn cầu để đạt 100 triệu người dùng, trong khi Instagram mất tới 2,5 năm, còn ứng dụng dịch Google Translate là 6,5 năm.

ChatGPT hiện được phát hành miễn phí. Ngày 2-2, OpenAI tung ra gói đăng ký 20 USD/tháng cho phiên bản ChatGPT Plus, cung cấp cho người dùng dịch vụ ổn định hơn, nhanh hơn cùng các tính năng tiên tiến so với bản miễn phí.

Các nhà phân tích tin rằng ChatGPT sẽ giúp OpenAI giành được lợi thế đi đầu trước những công ty phát triển AI khác. Lượng người dùng ngày càng tăng sẽ đem lại phản hồi giá trị để giúp nâng cấp chatbot. Tuy nhiên, công cụ này cũng đặt ra nhiều vấn đề về nguy cơ thông tin sai lệch và gian lận về học vấn.

Tháng trước, Microsoft đã công bố khoản đầu tư trị giá hàng tỉ USD vào OpenAI.

Facebook cán mốc 2 tỉ người dùng hằng ngày

Ngày 1-2, giám đốc điều hành (CEO) Công ty Meta Platforms Inc. (gọi tắt là Meta) - tỉ phú Mark Zuckerberg - cho biết lượng người dùng hằng ngày của mạng xã hội Facebook đã lần đầu tiên đạt con số 2 tỉ.

Theo ông Zuckerberg, đây được xem là một minh chứng về sự thành công của các thuật toán cải tiến trên tính năng Reels do Meta phát triển, đó là cung cấp dịch vụ tạo clip ngắn hiệu quả hơn cho người dùng trên Facebook và ứng dụng chia sẻ hình ảnh Instagram.

Meta vốn đang cạnh tranh khốc liệt với TikTok - nền tảng chia sẻ video dạng ngắn của Trung Quốc, một đối thủ đáng gờm đã thu hút rất nhiều người dùng trẻ tuổi trong lĩnh vực mà Instagram từng thống trị.

Nhà sáng lập công ty cũng ca ngợi những cải tiến của trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc điều phối quảng cáo, sau khi Apple điều chỉnh quy tắc về quyền riêng tư của người dùng trên iPhone - một động thái gây cản trở nghiêm trọng tới khả năng nhắm tới khách hàng quảng cáo mục tiêu của Meta.

Theo CEO Zuckerberg, chủ đề quản lý cho năm 2023 của Meta là "Năm của sự hiệu quả", theo đó ban lãnh đạo công ty sẽ nỗ lực để trở thành "một tổ chức mạnh mẽ và linh hoạt hơn".

Ông cho biết Meta đang nỗ lực loại bỏ các lớp quản lý cấp trung, cũng như triển khai các công cụ AI để giúp các kỹ sư làm việc hiệu quả hơn. Ngoài ra, Meta cũng sẽ tích cực hơn khi cắt giảm các dự án không hoạt động hoặc không được ưu tiên.

Tháng 11 năm ngoái, công ty này cũng đã thông báo sẽ sa thải 11.000 người - tương đương 13% tổng số nhân viên. Đây là đợt cắt giảm nhân sự lớn nhất trong lịch sử của Meta tính đến thời điểm này.

Theo Meta, doanh thu của "gã khổng lồ" truyền thông xã hội này đã giảm 1%, xuống còn 116,6 tỉ USD trong năm 2022. Đây là lần đầu tiên doanh thu của công ty sụt giảm kể từ khi ra mắt công chúng vào năm 2012. Tuy nhiên, mức giảm này vẫn thấp hơn nhiều so với dự kiến trước đó và điều này đã thúc đẩy giá cổ phiếu của Meta tăng vọt.

Trong phiên giao dịch cuối ngày 1-2, giá cổ phiếu của Meta đã tăng hơn 19%, lên mức 182,83 USD/cổ phiếu.

Theo: tuoitre.vn