Khu cách ly tại TP.HCM chưa quá tải nhưng tâm lý F1 bất ổn

Theo bác sĩ phụ trách khu cách ly tập trung quận 3, tâm lý của các F1 là vấn đề gây khó khăn nhiều nhất đối với các nhân viên y tế.
Dịch Covid-19 tại TP.HCM đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp khi số ca mắc tăng lên mỗi ngày. Tình trạng này dẫn đến số lượng F1 được phát hiện trong quá trình điều tra, truy vết và phải cách ly tập trung cũng tăng lên nhanh chóng. Để đối phó với tình hình này, nhân viên y tế tại các khu cách ly tập trung cũng phải tăng năng suất làm việc lên nhiều lần.

Dẫu vậy, sự thiếu hợp tác của một số F1 đang gây ra nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch. Điển hình là vừa qua, Zing đã có bài viết phản ánh câu chuyện của một nhân viên y tế làm việc tại khu cách ly tập trung trên địa bàn bị đe dọa bởi F1.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Kim Khôi Nguyên, Phụ trách khu cách ly quận 3, Trung tâm Y tế quận 3, cho biết may mắn chưa gặp tình trạng này nhưng chuyện người dân phản ứng với nhân viên y tế tại khu cách ly không phải hiếm.

Phải nhờ công an cưỡng chế khi F1 không hợp tác
Bác sĩ Nguyên cho biết khu cách ly quận 3 hiện có khả năng tiếp nhận tối đa khoảng 60 F1. Cơ sở này đang cách ly cho 22 trường hợp. Dự kiến, con số này tăng lên trong thời gian tới. Trong khi đó, Trung tâm Y tế quận 3 đã hoàn tất công tác chuẩn bị để mở thêm một cơ sở cách ly nữa cũng với 60 giường. Bởi vậy, số lượng F1 cách ly tập trung hiện nay chưa gây quá tải cho đơn vị này.


“Tuy nhiên, khác với những đợt dịch trước, các trường hợp F1 được phát hiện lần này có yếu tố dịch tễ khác nhau và rất phức tạp. Vì thế, chúng tôi gặp nhiều khó khăn hơn và phải luôn chuẩn bị trước mọi tình thế”, bác sĩ này cho hay.

Khu cách ly tại TP.HCM chưa quá tải nhưng tâm lý F1 bất ổn
cach ly tap trung tai TP.HCM anh 1

Trong quá trình cách ly cho người dân, tâm lý của các F1 là vấn đề chính gây khó khăn cho nhân viên y tế. Ảnh minh họa: Hoàng Giám.
Theo đó, khó khăn lớn nhất là tâm lý của F1. Tính từ đầu tháng 6 đến nay, khu cách ly tập trung quận 3 ghi nhận 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Điều này khiến những người còn lại có tâm lý hoang mang, lo lắng.

“Sau khi phát hiện các ca dương tính, chúng tôi kêu gọi người cách ly hạn chế tiếp xúc, đảm bảo nghiêm nguyên tắc 5K, phun khử khuẩn thường xuyên với tần suất 2 lần/ngày nhưng đồng thời cũng phải trấn an họ. Nhiều trường hợp tỏ rõ sự nghi ngờ với người cách ly cùng phòng khiến bầu không khí trở nên căng thẳng quá mức”, bác sĩ Nguyên chia sẻ.

Để phòng tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung, các nhân viên y tế tại đây đã bố trí chỉ khoảng 1-2 người/phòng. Những trường hợp giống nhau về yếu tố dịch tễ mới được xếp 3 người/phòng. Dẫu vậy, sự lo lắng, nghi ngờ, thậm chí là khó chịu vẫn không tránh khỏi.

Bác sĩ Nguyên giải thích: “Sau khi xuất hiện một ca dương tính, một số trường hợp được đánh giá có nguy cơ lây nhiễm cao sẽ phải tính ngày cách ly từ đầu. Một số người chỉ còn vài ngày nay phải cách ly tiếp khiến tâm lý họ bị ảnh hưởng rất nhiều, dẫn đến bức xúc và phản ứng. Tuy nhiên, sau khi giải thích và động viên, họ cũng đồng ý hợp tác”.

Ngoài ra, một vấn đề khác cũng thường xuyên xuất hiện trong khu cách ly tập trung là các trường hợp F1 tìm cách đưa rượu, bia, chất kích thích vào để giải trí. Việc kiểm soát hành động này càng khó khăn hơn khi số lượng F1 tăng nhanh cùng cách thức vận chuyển đa dạng.

Khu cách ly tại TP.HCM chưa quá tải nhưng tâm lý F1 bất ổn 2
cach ly tap trung tai TP.HCM anh 2
Dù nỗ lực kiểm soát, nhiều người vẫn cố ý đưa rượu, bia, chất kích thích vào trong khu cách ly tập trung. Ảnh minh họa: Quốc Toàn.
“Chúng tôi đã nỗ lực kiểm soát tất cả thực phẩm, vật dụng được đưa vào khu cách ly và cấm mọi hành vi sử dụng rượu, bia, chất kích thích. Tuy nhiên, một số người cố ý ngụy trang hay dùng mọi cách để tuồn các chất kích thích vào trong khu cách ly khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý”, bác sĩ này kể.

Ngay sáng 18/6, khu cách ly quận 3 cũng phát hiện một trường hợp có biểu hiện sốc thuốc sau khi sử dụng chất kích thích (nghi ngờ là cần sa). Sau khi nghe tin, bác sĩ Nguyên phải nhanh chóng có mặt để xử lý, lấy mẫu xét nghiệm và gửi báo cáo cho công an địa phương.

Về vấn đề F1 đe dọa nhân viên y tế, bác sĩ Khôi Nguyên cho hay ở đợt dịch lần thứ 4, trung tâm y tế quận 3 may mắn chưa gặp trường hợp tương tự. Tuy nhiên, việc người dân phản ứng, tỏ thái độ khi bị cách ly tập trung là không hiếm gặp.

“Trước đây, chúng tôi cũng phải đối mặt với không ít trường hợp cố ý không giữ gìn vệ sinh chung, thậm chí to tiếng, chửi bởi chúng tôi sau khi bị nhắc nhở vì mang rượu, bia vào. Lúc này, chúng tôi buộc phải đưa ra các biện pháp răn đe, lập biên bản xử phạt hoặc chuyển tới khu vực cách ly tập trung của thành phố”, bác sĩ phụ trách khu cách ly quận 3 nói.

Theo bác sĩ này, với các trường hợp không hợp tác, nhân viên y tế tại khu cách ly cần giải thích kỹ cho người dân, hỗ trợ tối đa về chuyên môn. Tuy nhiên, khi những người này vẫn cương quyết chống đối, chúng ta cần nhờ công an hay các lực lượng chức năng can thiệp, cưỡng chế.

Hai mặt của việc cách ly F1 tại nhà
Mới đây, trong cuộc họp trực tuyến của lãnh đạo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn xác nhận từ 18/6, TP.HCM sẽ thí điểm tự lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện cách ly F1 tại nhà.

Về vấn đề này, bác sĩ Khôi Nguyên nhận định: “Để thực hiện tốt việc cách ly F1 tại nhà, lực lượng y tế thành phố sẽ phải đi kiểm tra điều kiện, môi trường sống tại từng điểm để đảm bảo đạt tiêu chuẩn cần thiết như phòng riêng, nhà vệ sinh riêng, đồ vệ sinh khử khuẩn, không gian thông thoáng, nhiều ánh nắng mặt trời...”.

Khu cách ly tại TP.HCM chưa quá tải nhưng tâm lý F1 bất ổn 3
cach ly tap trung tai TP.HCM anh 3
Cách ly F1 tại nhà có thể giúp giảm tải công việc cho nhân viên y tế những không loại trừ khả năng trở thành con dao 2 lưỡi nếu không kiểm soát tốt. Ảnh minh họa: Hoàng Giám.
Theo bác sĩ này, nếu thí điểm thành công, việc cách ly F1 tại nhà sẽ giảm tải rất nhiều công việc cho nhân viên y tế và chính quyền địa phương. Đồng thời, việc làm này còn giảm thiểu được nguy cơ lây nhiễm chéo cho người dân khi cách ly tập trung.

Tuy nhiên, F1 khi được cách ly tại nhà cũng sẽ mang đến nhiều rủi ro hơn so với cách ly tập trung.

“Khi số lượng người phải cách ly lớn, họ lại không tuân thủ nội quy tốt trong khi lực lượng của ngành y tế, chính quyền còn mỏng, chúng ta sẽ rất khó kiểm soát. Những F1 phải cách ly tại nhà không tuân thủ, thoát ra ngoài cộng đồng dẫn đến nguy cơ lây lan virus rất cao. Lúc này, các nhân viên y tế sẽ phải vào cuộc, khối lượng công việc khi đó thậm chí còn lớn hơn nữa”, bác sĩ Nguyên nói.

Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 1.527 ca mắc mới, cao thứ 3 cả nước, sau hai ổ dịch khu công nghiệp là Bắc Giang và Bắc Ninh. Sau khi kiểm soát được ổ dịch liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, gần đây, các ca mắc mới đều là người tiếp xúc của những chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây.

Sáng 19/6, TP.HCM bước vào đợt tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn nhất lịch sử. Trong chiến dịch này, gần một triệu người thuộc nhóm ưu tiên tại TP.HCM được tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca.

Nguồn: https://zingnews.vn/khu-cach-ly-tai-tphcm-chua-qua-tai-nhung-tam-ly-f1-bat-on-post1228797.html