Nghề caddy trên sân golf: "Làm dâu trăm họ" lại chịu nhiều tai tiếng

Nhắc đến caddy, nhiều người luôn liên tưởng đây là một nghề sang chảnh với hình ảnh những cô gái trẻ, ăn mặc xinh đẹp để tháp tùng các đại gia trên những sân golf . Tuy nhiên, ít ai biết rằng nghề này lại không hề hào nhoáng, thậm chí rất vất vả và kèm theo những nỗi niềm không biết tỏ cùng ai.

Caddy - người bạn đồng hành của golfer 

Caddy - những người lúc nào cũng trùm kín: áo dài tay, mũ, nón,... theo sau hỗ trợ golfer khắp sân golf rộng cả chục hecta. Dù trời mưa hay trời nắng, cứ có khách lên sân thì các caddy vẫn phải phục vụ chu đáo. Bên cạnh những hình ảnh thường thấy như: cầm dù che nắng, phục vụ nước uống,...thì các nàng caddy còn có nhiệm vụ kéo theo bộ gậy có độ từ 12 - 15 kg xuyên suốt quá trình lên sân của khách. Chính vậy nghề caddy đòi hỏi các cô gái phải có sức khoẻ dẻo dai, bền bỉ.

Caddy - một nghề đòi hỏi nhiều sức khoẻ vì phải di chuyển thường xuyên cùng với bộ gậy nặng. (Ảnh: hoteljob)

Caddy - một nghề đòi hỏi nhiều sức khoẻ vì phải di chuyển thường xuyên cùng với bộ gậy nặng. (Ảnh: hoteljob)

Ngoài ra, để được làm nhân viên cho bộ môn thể thao thuộc giới thượng lưu này, người làm caddy cần trau dồi để có thêm kiến thức, hiểu biết về golf: sửa điểm phát bóng để khách thuận lợi khi chơi, lau chùi bóng và gậy khi cần thiết, theo dõi đường bóng, ghi điểm và đánh dấu khi cần thiết,...đảm bảo theo sát để hỗ trợ người chơi khi cần thiết. Bên cạnh đó, để trở thành một caddy chuyên nghiệp, đòi hỏi các cô gái phải có trình độ tiếng anh quốc tế nhằm thuận tiện trong việc giao tiếp với khách nước ngoài.

Caddy có nhiệm vụ hỗ trợ, đảm bảo khách hàng được thoải mái nhất khi lên sân. (Ảnh: teeoff golf)

Caddy có nhiệm vụ hỗ trợ, đảm bảo khách hàng được thoải mái nhất khi lên sân. (Ảnh: teeoff golf)

 

Chị Nga - một người đã gắn bó nhiều năm với nghề caddy chia sẻ cùng Dân Trí: "Công việc của caddy không chỉ là mang túi gậy đi theo các đại gia chơi golf hay chỉ nhặt bóng như nhiều người vẫn tưởng. Caddy mới vào nghề phải học thuộc địa hình sân, đoán hướng gió, tính khoảng cách từ bóng đến lỗ cờ,...để đưa ra những lời khuyên hữu ích cho người chơi. Caddy còn là người điều chỉnh tư thế đúng cho người chơi golf, tư vấn cho khách mỗi loại gậy phù hợp khi phát bóng".

Những người làm caddy phải phục vụ khách hàng kể cả trời nắng hay trời mưa. (Ảnh: itcvietnam)

Những người làm caddy phải phục vụ khách hàng kể cả trời nắng hay trời mưa. (Ảnh: itcvietnam)

 

Không những chỉ phục vụ khách mỗi khi lên sân, caddy còn phải thực hiện các công việc như: tưới hoa, làm cỏ,...vào lúc vắng khách.

Một nghề cực, lại lắm thị phi

Mọi người thường hay nghĩ sân golf là nơi hội tụ của giới thượng lưu, môi trường văn hoá. Vậy nhưng, thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Bởi trong suốt cuộc chơi, sẽ không tránh khỏi những lúc golfer nóng giận, không kiềm chế được cảm xúc khi phát bóng không thành công. Và rồi, người phải hứng chịu "cơn thịnh nộ" đó không ai khác ngoài các caddy.

Song song với sự vất vả trong công việc, caddy cũng chính là người "hứng chịu" những lúc "nóng giận vô cớ" của khách hàng. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Song song với sự vất vả trong công việc, caddy cũng chính là người "hứng chịu" những lúc "nóng giận vô cớ" của khách hàng. (Ảnh: Tuổi trẻ)

"Có những ông khách nhìn thấy tên trên túi gậy là ai cũng lắc đầu. Vì họ nổi tiếng trong việc chửi caddy: Đánh hỏng một gậy hay thua cả trận thì caddy chính là nơi để họ trút giận và đổ lỗi. Vì thế mỗi ngày chúng tôi đều hồi hộp không biết vị khách cuta mình sẽ ra sao. Nhưng vì khách hàng là thượng đế nên mặc dù bị khách quát mắng vô cớ cũng phải nhẫn nhục chịu đựng, nhận phần sai về mình", anh Thế Bảo, một caddy thổ lộ.

Caddy cũng là nghề đòi hỏi ngoại hình, độ tuổi thích hợp để làm caddy là 18 - 25 tuổi. Và do đặc thù công việc tiếp xúc nhiều với giới nhiều tiền sang chảnh, nên nhiều cô gái chọn nghề caddy thường bị vô cớ gắn mác đang có ý định "săn đại gia". Định kiến này đã làm ảnh hưởng không ít tới tâm lý chung của những người làm caddy.

Nghề caddy thường bị định kiến với những ý nghĩ tiêu cực về tình và tiền. (Ảnh: golf group)

Nghề caddy thường bị định kiến với những ý nghĩ tiêu cực về tình và tiền. (Ảnh: golf group)

"Câu chuyện về nghề thì có nhiều, vui có, buồn có. Có những chuyện golfer thích gái trẻ và thường xuyên rủ caddy đi chơi. Golfer giàu có, nhiều tiền thật, nhưng mình không thể vì đồng tiền mà đánh mất bản thân". Bạn H.T.H chia sẻ. H còn cho biết thêm: "Làm gì có chuyện cua được đại gia, nhiều vị khách thấy caddy xinh đẹp thì trêu đùa, chứ chúng tôi không phải là đối tượng của họ". 

Vất vả là thế nhưng lương caddy không hề cao như lời đồn đại. Được biết, mức thu nhập bình quân của một caddy từ 12 - 15 triệu/tháng. Có những sân golf lương cơ bản của caddy chỉ nằm trong khoảng 2 - 3 triệu/tháng, thu nhập chính đến từ tiền tip của khách. 

Chuyện tình của cô gái làm caddy và chàng trai ngoại quốc

Nghề nào cũng có nhiều khía cạnh khác nhau, và cũng có những câu chuyện tình yêu đẹp bắt đầu từ sân golf khiến các bạn trẻ thêm tin vào sự chân thành. Như câu chuyện tình của chị Nguyễn Thị Ngọc Dung (caddy sân golf kiêm nhân viên bán thẻ hội viên) và anh chàng golfer người Hà Lan. 

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Chị Dung cho biết ông xã là một người chơi golf rất giỏi và câu chuyện hôn nhân của chị cũng bắt đầu từ golf. Khoảng năm 2003, chồng chị sang Việt Nam du lịch và đem lòng yêu mảnh đất hình chữ S nên đã sắp xếp công việc để "dừng chân" định cư tại Việt Nam. Kể từ thời điểm đó, anh trở thành khách quen, thường xuyên tới lui sân golf nơi chị Dung làm việc.

Chị Ngọc Dung là người biết đến golf và làm quen với bộ môn thể thao này khá sớm, khoảng những năm 1994. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Chị Ngọc Dung là người biết đến golf và làm quen với bộ môn thể thao này khá sớm, khoảng những năm 1994. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Ấn tượng bởi khuôn mặt đầy nét Á Đông và cách chơi golf xuất sắc của Ngọc Dung, anh đã lặng lẽ tiếp cận chị Dung bằng cách luôn chọn chị làm caddy mỗi lần lên sân. "Lúc đó chị vẫn đang đi học tiếng Anh. Đi đánh với khách chị được tiền hoa hồng từ công ty nên không nghĩ ngợi nhiều vì cần tiền đi học. Nhưng cũng thấy ông khách của mình tính tình rất tốt” - chị Dung nhớ lại. 

Nhờ công việc caddy, chị Dung không những quen được người chồng hiện tại mà còn có cơ hội thử sức và đạt được nhiều thành công trong bộ môn golf. (Ảnh: golfnews)

Nhờ công việc caddy, chị Dung không những quen được người chồng hiện tại mà còn có cơ hội thử sức và đạt được nhiều thành công trong bộ môn golf. (Ảnh: golfnews)

 

Khoảng thời gian rất lâu sau đó, khi mà tình cảm đã thực sự chín muồi, chàng ngoại quốc quyết định tỏ tình. Thế nhưng, vì e ngại và có phần bối rối nên chị Dung đã từ chối, dù trong lòng biết rất rõ bản thân cũng có cảm tình với đối phương. Sau đó, không để cho tình cảm của cả hai bị dang dở, chị Dung mượn câu nói "con gái nói có là không, con gái nói không là có" để thổ lộ với anh thay cho lời đồng ý. Cuối năm đó, một đám cưới hạnh phúc đã được diễn ra trong sự chúc phúc của gia đình và bạn bè hai bên.

Có thể nói, caddy hay bất cứ một nghề nào đều có những vấn đề, những khía cạnh chỉ dân trong nghề mới có thể hiểu thấu. Nghề caddy nhìn qua có vẻ sang chảnh nhưng trên thực tế lương cũng không cao, lại còn rất vất vả. Nhưng nếu đã thật sự yêu thích thì ngại gì mà không thử, bởi bất kì một ngành nghề lao động chân chính nào cũng đáng được trân trọng.

 

Nguồn https://www.yan.vn/nghe-caddy-tren-san-golf-lam-dau-tram-ho-lai-chiu-nhieu-tai-tieng-298094.html