Tại sao bệnh nhân 22 tuổi Long An nguy kịch?

Nam sinh 22 tuổi không có bệnh lý nền nhưng thừa cân, béo phì, bão cytokine, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, tương tự bệnh nhân phi công Anh.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, ngày 3/6, cho biết gan, phổi "bệnh nhân 7445" tổn thương nặng, phải thở máy, lọc máu màng hấp phụ cytokine, dùng kháng sinh phổ rộng. Bệnh nhân phải nhờ đến sự hỗ trợ của ECMO - thiết bị oxy hóa qua màng ngoài cơ thể, từ khi nhập viện sáng 1/6.

"Khi mới nhập viện, tiên lượng bệnh nhân rất nguy kịch. Hiện, các y bác sĩ đang nỗ lực cứu chữa", bác sĩ Châu nói. Bệnh nhân có tình trạng rối loạn tăng đông máu nặng, giảm tiểu cầu, nguy cơ đông máu lan tỏa (gây tắc màng lọc phải thay nhiều lần) lẫn nguy cơ chảy máu rất cao.

Theo bác sĩ Châu, phần lớn ca Covid-19 nặng ghi nhận ở bệnh nhân lớn tuổi, người có nhiều bệnh lý nền. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp bệnh diễn tiến xấu ở người trẻ tuổi và không bệnh nền. Quá trình bệnh nhân chuyển biến nặng có thể phụ thuộc nhiều yếu tố như độc lực của virus, phản ứng của cơ thể, bất thường trong hệ thống miễn dịch...

Với bệnh nhân 22 tuổi này, dù còn rất trẻ nhưng tình trạng nặng, trước hết là do hệ miễn dịch đã phản ứng quá mức khi bị nCoV tấn công, khiến cơ thể tiết ra nhiều chất cytokine chống lại chính cơ thể.

Theo bác sĩ Châu, thông thường, người khỏe mạnh khi bị virus tấn công, hệ miễn dịch sẽ phản ứng, cơ thể tiết ra chất cytokine để ức chế virus. Tuy nhiên, một số người tiết ra quá nhiều cytokine, gây ảnh hưởng các phủ tạng. Hiện tượng này y học gọi là Hội chứng giải phóng cytokine, hay cơn bão cytokine, chưa lý giải được nguyên do.

"Tình trạng này từng được ghi nhận ở "bệnh nhân 91" – phi công người Anh", bác sĩ Châu nói.

Phổi của bệnh nhân này vừa bị tổn thương do nCoV, vừa do chính cơ thể tiết ra chất chống viêm làm ảnh hưởng và do hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS). Hội chứng này thường biểu hiện nặng, khởi phát nhanh, thiếu oxy máu, tổn thương phổi dẫn đến suy hô hấp tiến triển nhanh, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn đến tử vong.

Giải pháp điều trị là duy trì can thiệp ECMO để giúp "phổi hoạt động không tải". Với nguyên lý hoạt động tương tự như máy tim phổi nhân tạo, mục tiêu của ECMO là tạo thời gian cho tim và phổi được nghỉ ngơi, hồi phục. Phổi tạm nghỉ nhiệm vụ cung cấp oxy cho toàn cơ thể mà chỉ thở để nuôi chính nó, chờ phản ứng viêm qua đi. Đây là phương tiện quan trọng nhất với trường hợp viêm phổi nặng do Covid-19, cứu sống nhiều người bệnh rất nặng.

Theo bác sĩ Châu, bệnh nhân này không có bệnh lý nền nhưng thừa cân, béo phì, cân nặng 110 kg. Trước đó, bệnh nhân phi công người Anh cân nặng 100 kg. "Béo phì cũng là một nguy cơ của Covid-19", bác sĩ Châu phân tích.

"Bệnh nhân 7445" là sinh viên đại học năm cuối tại TP HCM. Ngày 23/5, anh đi từ TP HCM về nhà ở Long An, gặp mưa, cảm thấy mệt mỏi, ớn lạnh, đau nhức cơ, đau họng, ho khan. Bệnh nhân mua thuốc tây để uống, tình trạng diễn tiến nhẹ, không tăng thêm.

Đến ngày thứ 8, bệnh nhân khó thở tăng dần, cơ sở y tế địa phương xét nghiệm dương tính với nCoV. Khi bệnh trở nặng, anh được chuyển tới TP HCM trong tình trạng gần như ngưng thở.

"Nếu chậm vài phút, bệnh nhân khó giữ được tính mạng", bác sĩ Châu cho biết.

Anh trai của bệnh nhân này cũng mắc Covid-19, tình trạng nặng nên chuyển từ Long An đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM ngày 1/6. Hiện, hình ảnh Xquang phổi ghi nhận tổn thương lan tỏa hai phế trường.

"Người anh trai này đang diễn tiến nặng dần, tình trạng suy hô hấp gia tăng, tiếp tục hỗ trợ hô hấp bằng máy thở cao tần", bác sĩ Châu chia sẻ. Người bố cũng được ghi nhận mắc bệnh. Chùm ba ca nhiễm trong gia đình này chưa rõ nguồn lây.

"Bệnh nhân 91", phi công 43 tuổi người Anh, từng được xác định là một trong những ca nặng nhất của khu vực. Trong 68 ngày liên tiếp, người bệnh phải thở ECMO tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, có những lúc tưởng chừng tuyệt vọng. Bộ Y tế gần như đã tính đến phương án ghép phổi khi phổi đông đặc 90%, chức năng phổi giảm xuống còn 10%.

Các chuyên gia y tế Việt Nam tập trung mọi nỗ lực cứu chữa bệnh nhân, giúp anh từng bước hồi phục một cách thần kỳ, xuất viện đáp chuyến bay về Anh hôm 11/7/2020, sau gần bốn tháng điều trị. Truyền thông thế giới từng ca ngợi cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam, cho rằng bệnh nhân phi công người Anh là biểu tượng cho nỗ lực toàn diện của cả nước đối với đại dịch.

Lê Phương 

Nguồn: https://vnexpress.net/tai-sao-benh-nhan-22-tuoi-long-an-nguy-kich-4288355.html