Vì sao số mắc Covid-19 ở TP.HCM liên tục tăng hơn 1.000 ca?

"3 ngày nay, số ca gần như ngang nhau. Khi lấy hết mẫu vùng lõi thì thời gian tới lấy ra vòng ngoài. Số này theo nguyên tắc chắc chắn sẽ giảm xuống", Phó giám đốc Sở Y tế nói.
Chỉ một ngày, HCDC ghi nhận 18 nhân viên y tế nhiễm nCoV khi làm việc. Ngành y tế đang chịu áp lực rất lớn khi phải điều trị cho hơn 14.000 bệnh nhân Covid-19.

Trong bối cảnh số ca nhiễm tăng nhanh, nguồn lực chống dịch và áp lực của ngành y tế là mối quan tâm lớn được nhiều phóng viên đặt ra tại buổi họp báo chiều 12/7.

18 trường hợp phơi nhiễm nghề nghiệp
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết từ 6h ngày 11/7 đến 6h ngày 12/7, HCDC ghi nhận 1.489 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, 1.026 trường hợp tại khu cách ly, phong tỏa; 18 ca phơi nhiễm nghề nghiệp; 189 trường hợp tầm soát, sàng lọc tại bệnh viện; 221 ca đang được điều tra bổ sung thông tin.

Đáng chú ý, trong số này có 18 trường hợp phơi nhiễm nghề nghiệp, gồm 13 nhân viên tại Bệnh viện Quận 4, một nhân viên tại khu cách ly Học viện Chính trị KV II, một nhân viên y tế tại Bệnh viện Quận 1, ba nhân viên y tế tại Bệnh viện Hùng Vương.


TP.HCM hiện điều trị cho 14.142 bệnh nhân, trong đó có 12.653 người đã được Bộ Y tế công bố.

vi-sao-so-mac-covid-19

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam. Ảnh: Chí Hùng.
Cung cấp thông tin về công tác điều trị cho bệnh nhân F0, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết sở đang áp dụng mô hình tháp 4 tầng.

Tầng một là 8 bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân F0 hoàn toàn không có triệu chứng. Tầng hai là bệnh nhân có triệu chứng nhẹ. Tầng ba là 6 bệnh viện điều trị bệnh nhân có bệnh lý nền. Tầng 4 là 3 bệnh viện điều trị cho nhóm bệnh nhân nặng nhất.

Ông Nam cho biết ngành y tế sẽ phải huy động nhiều bác sĩ điều trị cho khu vực này nên số lượng nhân viên y tế ở các bệnh viện sẽ phải giảm đi.

Tuy nhiên, ông Nam cũng cho biết số lượng bệnh nhân trong các bệnh viện hiện giảm đáng kể. So với năm 2019 thì năm 2020, số lượng bệnh nhân giảm chỉ còn khoảng 60-70%. Hiện, số lượng bệnh nhân điều trị tại bệnh viện chỉ khoảng 40-50%.

"Do đó, tỷ lệ bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện vẫn được đảm bảo", ông Nam khẳng định.

Đang lấy mẫu vùng lõi
Thông tin cụ thể hơn về cán bộ y tế đang tham gia phòng, chống dịch Covid-19, ông Nam cho biết lực lượng y tá, bác sĩ hiện nay chủ yếu phục vụ 3 mục tiêu: Điều tra truy vết trong cộng đồng; lấy mẫu xét nghiệm; và phục vụ công tác điều trị trong bệnh viện. Tổng số cán bộ, công nhân viên mà ngành huy động cho cả 3 nội dung kể trên là 12.492 người, gồm cả bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên.

Trong đó, 487 công nhân viên phục vụ điều tra, truy vết; 6.682 cán bộ tham gia lấy mẫu xét nghiệm, riêng khối điều trị có 4.597 cán bộ, bác sĩ đang phục vụ. Hiện nay, lực lượng chính là y tá, bác sĩ trong các đơn vị trên địa bàn thành phố.

Các bệnh viện Trung ương cũng hỗ trợ 2.014 y tá, bác sĩ trên địa bàn. Hiện, Bộ Y tế đã hỗ trợ thêm TP.HCM một số y tá, bác sĩ. Cụ thể như phân công 25 lãnh đạo các vụ/cục/văn phòng bộ/ viện/trường trực thuộc Bộ Y tế tới TP.HCM tham gia công tác chống dịch.

vi-sao-so-mac-covid-19 1
Ngành y tế đang phải đối mặt với áp lực rất lớn. Ảnh: Duy Hiệu.
Phó giám đốc Sở Y tế cho biết thành phố đang tăng lượng bác sĩ, điều dưỡng để tập trung cao nhất cho khối điều trị. Vừa qua, ngành y tế cũng đã đề xuất 500 bác sĩ tham gia điều trị tại các bệnh viện dã chiến, nhất là điều trị cho bệnh nhân nặng. Ngoài ra, ngành y tế còn nhận được sự hỗ trợ hùng hậu của lực lượng quân đội, công an, đoàn thanh niên.

Ông Nam cho biết với số F0 tăng cao, các bác sĩ phải phân ra nhiều nơi để điều trị, do đó, số lượng bác sĩ tại bệnh viện cũng giảm đi. Thêm vào đó, ngành y tế phải tăng cường lực lượng để khám sàng lọc cho bệnh nhân trước khi vào bệnh viện. Đây là nhóm rất áp lực khi phải lọc ngay trường hợp có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính với SARS-CoV-2, không để lọt vào trong bệnh viện.

"Áp lực của ngành y tế hiện nay rất lớn. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các cấp, Chính phủ, địa phương thì nhân sự ngành y tế đang rất tập trung, trong 15 ngày giãn cách cố gắng lọc ra nhóm F0 để kiểm soát dịch", ông Nam chia sẻ.

Về phương pháp xét nghiệm hiện nay, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết ngành y tế đang tập trung lấy mẫu trọng tâm, trọng điểm. Vùng lõi nguy cơ cao sẽ tập trung lấy trước, sau đó mở rộng ra khu vực bên ngoài.

Ông cho biết vừa qua, số lượng F0 tăng nhanh do thành phố đang tập trung lấy mẫu xét nghiệm cho vùng lõi của các ổ dịch.

"Ba ngày nay, số ca gần như ngang bằng nhau. Nếu lấy hết được mẫu vùng lõi thì thời gian tới lấy ra vòng ngoài là vòng nguy cơ. Số này theo nguyên tắc chắc chắn sẽ giảm xuống. Mục tiêu của chúng ta trong đợt dịch này là cố gắng tách nhóm F0 ra khỏi cộng đồng dân cư", ông Nam nói.

vi-sao-so-mac-covid-19
Các F0 xếp hàng chờ nhập viện tại bệnh viện dã chiến. Ảnh: Chí Hùng.
Trước đó, ngày 8/7, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã ký Công văn 2279 về áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn TP.HCM trong 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7.

Theo đó, các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm, xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng công nghệ đều tạm dừng hoạt động. Các dịch vụ bán đồ ăn mang về cũng phải tạm ngưng.

TP.HCM đã chuẩn bị đủ hàng hóa để cung ứng cho người dân và đề nghị người dân không tích trữ lương thực, thực phẩm, gây tập trung đông người tại các điểm mua, bán nhu yếu phẩm.

Từ ngày 27/4 đến tối 12/7, TP.HCM ghi nhận 14.776 ca mắc Covid-19, đang là ổ dịch lớn nhất trên cả nước.

Nguồn: https://zingnews.vn/vi-sao-so-mac-covid-19-o-tphcm-lien-tuc-tang-hon-1000-ca-post1237883.html